Quy Trình Xây Dựng Nhà Dân Dụng
Hiểu rõ về quy trình xây dựng nhà dân dụng sẽ giúp chủ nhà tối ưu được chi phí thời gian và công sức. Vì vậy, bài viết này sẽ cung cấp cho chủ nhà chi tiết về quy trình xây dựng nhà dân dụng.
1. Giai đoạn chuẩn bị
Trước khi tiến hành xây dựng nhà ở, chủ nhà cần thực hiện 8 đầu việc sau:
1.1. Bước 1: Lựa chọn mảnh đất nền phù hợp
Nếu chủ nhà chưa có đất, chủ nhà sẽ cần phải tìm kiếm và lựa chọn một mảnh đất phù hợp để xây nhà. Dưới đây là một số tiêu chí quan trọng mà chủ nhà nên xem xét khi chọn mua bất kỳ mảnh đất nào:
- Pháp lý rõ ràng: Mảnh đất phải có sổ đỏ hoặc các giấy tờ pháp lý khác có giá trị tương đương. Điều này giúp chủ nhà tránh được những rủi ro và tranh chấp về sau.
- Môi trường sống tốt: Mảnh đất nên nằm trong khu vực có dân trí cao, an ninh đảm bảo, hạ tầng đầy đủ, gần các tiện ích như siêu thị, bệnh viện, chợ, bến xe,… Chủ nhà cũng nên chọn một mảnh đất gần nơi học tập hoặc làm việc của các thành viên trong gia đình để tiết kiệm thời gian và chi phí di chuyển.
- Hướng đất hợp lý: Một mảnh đất hướng Nam hoặc Đông Nam thường được xem là lựa chọn tốt nhất vì nó có thể tận dụng ánh nắng mặt trời và thông gió tốt.
- Diện tích đất phù hợp: Chủ nhà nên chọn một mảnh đất có diện tích phù hợp với nhu cầu sử dụng và số lượng thành viên trong gia đình.

1.2. Bước 2: Lên kế hoạch xây dựng ban đầu
Sau khi có được một mảnh đất phù hợp để xây nhà, chủ nhà sẽ tiến hành lập kế hoạch xây dựng sơ bộ, bao gồm:
1 - Ý tưởng xây nhà
Chủ nhà sẽ cùng gia đình của mình bàn bạc và đưa ra quyết định về một số yếu tố cho căn nhà như số tầng, số phòng, diện tích, thời gian sử dụng, phong cách thiết kế,... Ngoài ra, chủ nhà cũng cần xác định các mục tiêu chính cần đạt được khi xây nhà, chẳng hạn như:
- Hiện tại, chủ nhà xây nhà ít tầng nhưng có mong muốn nâng tầng để mở rộng không gian sống về sau. Vì vậy, chủ nhà đặt mục tiêu căn nhà phải có kết cấu chịu lực tốt, có sẵn cột thép chờ, để tương lai cải tạo nâng tầng.
- Chủ nhà có kế hoạch chuẩn bị sinh thêm em bé, nên cần thêm không gian cho trẻ. Vì vậy, chủ nhà mong muốn xây dựng một căn phòng nhỏ cho trẻ.
- Chủ nhà có mong muốn lắp đặt thang máy nhưng ngân sách hiện tại còn hạn chế. Vì vậy, chủ nhà muốn xây dựng sẵn một ô chờ để tương lai lắp thêm thang máy,...
Bên cạnh đó, chủ nhà cũng nên tham khảo các mẫu nhà đẹp, các xu hướng thiết kế nhà để có thể phác thảo được ý tưởng xây nhà ưng ý nhất.

2 - Dự trù kinh phí
Từ ý tưởng sơ bộ ở trên, chủ nhà sẽ tiến hành dự trù kinh phí xây dựng. Đây là bước vô cùng quan trọng, giúp chủ nhà tránh tình trạng vượt quá ngân sách hoặc thiếu chi phí cho các hạng mục phía sau.
Chủ nhà sẽ liệt kê tất cả các các chi phí từ thuê thiết kế, vật liệu xây dựng, đồ đạc nội thất, nhân công, giám sát công trình,... Bên cạnh đó, chủ nhà cũng nên lập một khoản ngân sách dự phòng (thông thường khoảng 10% tổng chi phí xây dựng). Điều này sẽ giúp chủ nhà dễ dàng đối phó với các rủi ro không mong đợi hay việc thay đổi thiết kế, nâng cấp vật tư,...
Trong quá trình dự trù ngân sách, chủ nhà cũng nên xác định rõ nguồn tiền cho kế hoạch cho xây nhà bao gồm nguồn tiền tự có, vay người thân và vay ngân hàng. Nếu chọn vay ngân hàng, chủ nhà cần cân nhắc lựa chọn ngân hàng có mức lãi suất và các chính sách trả nợ phù hợp với khả năng tài chính của mình.

3 - Lựa chọn thời điểm xây nhà thuận lợi
Để xây nhà một cách thuận lợi, chủ nhà nên chọn thời điểm xây nhà có thời tiết ổn định. Thông thường, tại các địa phương miền Bắc, nhiều chủ nhà sẽ khởi công xây nhà vào tháng 3 (tháng 2 âm lịch), theo đó:
- Vào tháng 4 đến tháng 5, căn nhà sẽ được thi công xong phần thô.
- Vào khoảng tháng 6 đến tháng 9 (mùa mưa), căn nhà sẽ được thi công hoàn thiện.
- Vào tháng 10 đến tháng 12 (mùa khô), căn nhà sẽ được sơn tường, hoàn thiện nội thất.
Với lộ trình như vậy, chủ nhà có thể dọn vào nhà mới và cuối năm. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhà cũng thường kiêng kỵ, không khởi công xây dựng hoặc dọn về nhà mới vào tháng 4 hoặc tháng 7 âm lịch; cũng như hạn chế xây nhà lâu (hơn 2 năm).
Ngoài ra, chủ nhà cũng không nên xây nhà vào điểm cuối năm/ cận tết Nguyên Đán. Bởi tại thời điểm này, đội ngũ nhân công xây dựng thường rất khan hiếm, khiến chi phí xây nhà có thể bị “độn” lên khá cao.

4 - Cân nhắc yếu tố phong thủy
Để có thể thu hút nhiều tài lộc và may mắn, khi xây nhà, chủ nhà cần quan tâm về một số vấn đề phong thủy như:
- Hướng cửa chính hợp phong thủy: Theo phong thủy, cửa chính là nơi dòng khí lưu thông, thu hút tài lộc và vận khí tốt. Do đó, chủ nhà nên chọn hướng cửa chính là hướng hợp mệnh để có thể gặp nhiều vận may và có nhiều tài lộc, sức khỏe.
- Vị trí đặt bàn thờ hợp phong thủy: Bàn thờ là nơi tôn nghiêm vì vậy, chủ nhà nên chọn vị trí đặt bàn thờ ở hướng “tọa cát hướng cát” - vị trí tốt, nhìn ra hướng tốt so với tuổi của gia chủ. Hoặc, chủ nhà cũng có thể đặt bàn thờ ở vị trí gần cửa sổ hoặc giữa nhà. Việc xác định hướng bàn thờ sẽ giúp chủ nhà và kiến trúc sư (KTS) bố trí các hướng phòng phù hợp ngay từ ban đầu.
- Vị trí đặt nhà vệ sinh: Chủ nhà không nên đặt nhà vệ sinh ở hướng đối diện hay cạnh cửa ra vào, bởi đây là hướng đại kỵ, có thể gây ra nhiều điều không may mắn cho gia đình. Bên cạnh đó, chủ nhà cũng không nên đặt nhà vệ sinh chung với không gian bếp bởi đây là 2 khu vực xung khắc trong ngũ hành, Cuối cùng, chủ nhà tuyệt đối không nên đặt tại vị trí trên phòng ngủ/ phòng khách hoặc phòng thờ, để tránh tạo ra năng lượng xấu và nguy cơ rò rỉ nước gây ẩm mốc.

5 - Chuẩn bị chỗ ở tạm trong quá trình xây dựng nhà
Chủ nhà cũng cần lên kế hoạch chuẩn bị chỗ ở tạm thời trong thời gian thi công như thuê trọ, ở nhà người thân,... Ngoài ra, nếu có nhiều đồ đạc cần lưu trữ, chủ nhà hãy thuê những căn hộ, nhà trọ có diện tích chứa đồ lớn hoặc sử dụng dịch vụ thuê kho lưu trữ,...

1.3. Bước 3: Tìm kiếm đơn vị thiết kế và nhà thầu thi công
Bên cạnh việc thuê đội ngũ thi công xây dựng nhà thông thường, chủ nhà cũng nên thuê thiết kế xây dựng. Bởi thuê thiết kế sẽ đem lại nhiều lợi ích cho chủ nhà như đảm bảo sự an toàn, tính thẩm mỹ,.. Đồng thời, chủ nhà có thể hạn chế các vấn đề thiết kế lỗi, thiếu sự đồng bộ giữa kiến trúc, kết cấu và điện nước, từ đó, gây ra tình trạng thợ thi công lỗi,…
Ngoài ra, theo nhà có diện tích >250m2 và trên 3 tầng thì việc thuê thiết kế là bắt buộc. Nếu không phải là chuyên gia xây dựng mà chủ nhà tự ý thiết kế, chủ nhà sẽ vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, chủ nhà cũng nên lựa chọn hình thức xây nhà trọn gói. Đây là một hình thức mà chủ nhà sẽ thuê nhà thầu thực hiện toàn bộ quá trình xây dựng từ việc thiết kế, mua vật liệu, thi công và hoàn thiện công trình. Với dịch vụ này, chủ nhà sẽ tiết kiệm thời gian tìm kiếm và quản lý đội ngũ thi công cho từng hạng mục.